Mình đặt chân đến Vạn Lý Trường Thành vào cuối đông đầu xuân. Nghe danh biết bao lâu qua sách vở đến nay đặt chân lên Vạn Lý Trường Thành để biết ờ thì nó về cơ bản chỉ là đoạn thành dài cheo leo trên núi non hiểm trở. Có lẽ ý nghĩa lớn nhất của trải nghiệm này, là mình đã đến được nơi đây, Vạn Lý Trường Thành nổi danh. Từ cô bé non nớt ngày xưa đọc qua sách vở, hôm nay đã thực sự đặt chân lên đoạn thành này.
Mà thật ra đến được Vạn Lý Trường Thành cũng không khó gì mấy. Người Trung Quốc rất biết làm du lịch, họ dự đoán trước mọi nhu cầu của khách hàng và thiết kế tạo sự thuận tiện nhất cho khách để dễ dàng thu tiền. Như để đi Vạn Lý Trường Thành, bạn chỉ cần lên một xe buýt ở ngay trước quảng trường Thiên An Môn, xe buýt chở thẳng bạn đến khu du lịch Vạn Lý Trường Thành đoạn Bát Đạt Lĩnh, từ đó bạn chỉ cần leo lên cáp treo hoặc xe diện là được chở thẳng lên đoạn thành. Dễ dàng và đơn giản đến mức từ người già đến trẻ em, đến khách du lịch lơ ngơ cũng có thể dễ dàng đặt chân lên được đoạn biên giới phía Bắc của các nhà nước phong kiến Trung Quốc.
Vạn Lý Trường Thành ngăn cách giữa Trung Nguyên ngày xưa và các bộ lạc phương Bắc. Ngày xưa nếu bạn sinh ra ở phía Bắc của tường thành, bạn thành viên của một trong những bộ lạc thiện chiến ở miền Bắc. Giấc mộng lớn nhất truyền qua nhiều đời trong bộ lạc là trở nên hùng mạnh để tiến xuống chiếm giữ vùng Trung Nguyên, nơi đất đai bằng phẳng, nhiều tài nguyên và nguồn thức ăn dồi dào. Về miền Nam để chạy khỏi khí hậu khắc nghiệt và né tránh các bộ lạc thiện chiến, muôn đời chém giết lẫn nhau. Nếu bạn sinh ra miền Nam của tường thành, bạn có thể là thành viên của nhóm quý tộc triều đại phong kiến nào đó. Ám ảnh của triều đại thời bạn sống là vó ngựa thiện chiến của bộ lạc man di miền Bắc tràn vào đốt phá kinh thành, phá đi nền văn minh của người Hán. Bao nhiêu triều đại phong kiến thịnh rồi lại suy, nhưng triều nào cũng cắt cử người trông coi, bồi đắp, chắp nối các đoạn thành mới. Các đại anh hùng của bộ lạc phương Bắc, chiến đấu mệt nhoài trên vó ngựa cho giấc mộng cai trị Trung Nguyên và các vị tướng mưu trí, ái quốc, trung quận của các triều đại phong kiến phía Nam quyết chết để thủ thành. Hai bên tạo nên những cuộc long tranh hổ đấu lẫy lừng. Trăm ngàn năm sau, mình chỉ là du khách đi dạo trên một đoạn thành lịch sử.
Mình thì đứng trên thành, thành thì đứng trên những ngọn núi đá cheo leo, nhọn hoắt. Mình nhìn về phía Bắc của tường thành, chỉ thấy trời xanh và cây bụi mọc trên sỏi đá cheo leo, gió lạnh cắt da cắt thịt. Gió cuối đông vùng núi phương Bắc có muôn ngàn mũi kim lạnh như băng xuyên qua người. Núi non hiểm trở, hoang vu không có mấy sự sống thế này, tự hỏi người xưa kéo lính kéo ngựa lên đây xây thành rồi đánh nhau làm gì không biết nữa. Thật sự khí hậu quá khắc nghiệt. Mình chỉ dám núp vào bờ thành cao quá đầu để trốn gió. Vậy mà nhìn lên cao, đàn chim vẫn chao lượn, bầu trời thì xanh ngắt. Mình ngưỡng mộ những chú chim phương Bắc kia, điều gì đã cho chúng sức mạnh để bay trong làn gió buốt dữ dội từ tít tận trên cao. Có thể vào mùa xuân đoạn thành này sẽ đẹp lắm, nhưng mình thấy may mắn đã có mặt ở đây vào cuối đông. Đi vào mùa này mới cảm nhận được cái khắc nghiệt của khí hậu, núi đồi, cỏ cây cũng đến là xác xơ vì khô lạnh, mà trên đó chim vẫn bay, con người vẫn dựng xây chí lớn.
Mình đi vài đoạn thành, chụp ảnh các kiểu rồi tranh thủ xuống sớm, phần vì gió to quá làm đầu óc say xẩm, phần vì mang theo ít đồ ăn, trời lạnh và leo núi khiến cơ thể đói rất nhanh, đói mà đi kèm với cái lạnh buốt nữa thì chắc xỉu giữa đường. Trời lạnh và khắc nghiệt nên mình thấy miếng ăn quan trọng vô vàn, ngon dở gì cũng lùa vào miệng nhanh, ráng ăn nhiều nhất có thể vì không thể để bị đói vào mùa lạnh. Nói chung là đi thăm Vạn Lý Trường Thanh nổi danh một chút thôi rồi tranh thủ đi xuống vì sợ bụng đói.




