Mình đứng trên cầu vượt nhìn xuống con đường lớn ở khu vực trung tâm tài chính thương mại ở Bắc Kinh. Không phải là con đường quá huyết mạch nhưng nó đã có tới 12 làn xe hơi, chưa kể làn xe đạp và xe máy điện. Người ta thường gắn thành phố lớn với sự ồn ào, náo nhiệt nhưng Bắc Kinh đã thay đổi định kiến đó, Bắc Kinh không hề ồn. Khi vừa đặt chân đến Bắc Kinh, mình đã hẫng một nhịp, ô sao thành phố lại có thể yên tĩnh vậy nhỉ. Nó yên tĩnh hơn cả Đà Nẵng, không nghe tiếng bóp còi và tiếng xe gầm rú. Nguyên nhân là bởi giao thông điện hóa: phần lớn xe hơi ở đây là xe điện, xe máy thì hoàn toàn là xe điện và còn lại xe đạp. Hãng xe điện nước ngoài rất được yêu thích ở đây là Tesla còn lại là các hãng xe điện Trung Quốc. Tỉ lệ nội địa hóa xe hơi điện của Trung Quốc rất cao, nhiều thương hiệu xe điện Trung Quốc có tên lạ lẫm, chạy loanh quanh khắp thành phố. Mình có thể thoải mái hít một hơi thật sâu mà không sợ khói bụi xe.
Trong các thành phố châu Á mình đã đi qua, Bắc Kinh & Thượng Hải là những nơi có giao thông thuận tiện nhất, dù khoảng cách là 1.000km hay 2km, bạn đều có ngay phương tiện di chuyển công cộng phù hợp, tiện lợi, giá cả vô cùng hợp lý. Những ứng dụng hỗ trợ cho cuộc sống như chỉ đường, thời tiết… chi tiết, kỹ lưỡng và đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng đến mức các ứng dụng của Google phải gọi bằng cụ. Đơn giản như ứng dụng thời tiết của Trung Quốc sẽ chỉ cho bạn vào mùa này, những địa điểm nào có hoa anh đào đã nở rộ hay cây lá vàng để bạn chụp ảnh, video ngắn về thời tiết này nên ăn mặc như thế nào…
Cả thành phố đỏ mắt không tìm ra được miếng rác đi lạc trên đường. Đường phố cây xanh rợp trời, quán xá dù lớn hay bé cũng được tổ chức gọn gàng trong khu vực của mình và vô cùng sạch sẽ. Mỗi quán dù lớn hay bé đều dán các thể loại đăng ký, chứng nhận, và thông tin của viên cảnh sát phụ trách nếu khách hàng cần trình báo vi phạm gì.
Sự nề nếp quy củ này cũng có mặt ngột ngạt của nó. Đây là thành phố của camera giám sát khắp mọi nơi. Khi mình đi chơi viện bảo tàng, chỉ riêng đi trên thang cuốn thôi đã có 5 chiếc camera chỉa thẳng vào mình, khi mình vào làm sim ở một cửa hàng viễn thông, trên trần nhà có 8 chiếc camera chỉa tứ phía. Ở đây, quyền bảo mật và riêng tư được đặt dưới ưu tiên về kiểm soát và an ninh. Việc kiểm tra căn cước công dân, hộ chiếu và túi xách phổ biến hàng ngày, được thực hiện bởi không chỉ lực lượng cảnh sát, an ninh mà còn cả bảo vệ ở những nơi công cộng. Như ở Việt Nam, người ta sẽ xem căn cước khi có một vấn đề hoặc một mục đích nào đó, còn ở Trung Quốc, việc quét căn cước là hoạt động kiểm soát hàng ngày, mỗi cá nhân đi vào đi ra một địa điểm lúc mấy giờ. Một sáng mình dậy chạy bộ ở khu vực gần quảng trường Thiên An Môn, lúc chạy xong đi về là đúng vào lúc nhân viên an ninh vào ca gác, mình suýt không được cho vào, dù mình giải thích là khách sạn mình ở trong khu này. Nhân viên an ninh chỉ nói ngắn gọn tôi không biết, tôi không nói tiếng Anh, nếu không trình diện hộ chiếu thì không được vào. May sao mình có mang theo thẻ phòng khách sạn mới qua được.
Tuy nhiên, trên đường vẫn có một số người khạc nhổ, một số người cho con tiểu ngoài đường, một số người phá hoại cảnh quan để chụp hình. Khi đi tàu điện, một số người vẫn chen lên trước ngay khi cửa vừa mở chứ chưa có văn hóa đi tàu điện tuyệt đối lịch sự như ở Singapore, Hongkong, ngay cả Bangkok mình cũng chưa thấy trường hợp chen ngang ở tàu điện. Sự ổn định, nề nếp của thành phố có thể một phần nhờ vào bàn tay sắt quản lý khắp mọi nơi chứ chưa hẳn đến từ sự phát triển cao và đồng bộ về văn hóa của nội tại người dân. Có thể để cai trị lực lượng dân số lên đến gần 20% dân số thế giới, với nền tảng văn hóa và nhận thức đa dạng thì việc quản lý chặt chẽ cũng là cần thiết để duy trì sự ổn định, nề nếp đâu ra đó. Dù sao đi nữa, cuộc sống ở Bắc Kinh nói chung và các thành phố lớn ở Trung Quốc được tổ chức quá tiện lợi, quá an ninh, quy củ, người dân có cuộc sống khá tốt trong sự kiểm soát chặt chẽ.
Trong một lúc nào đó ở Sài Gòn, khi đang kẹt xe giờ tan tầm, khi đang lang thang ngoài phố, chắc chắn không ai tránh khỏi cảm thấy thấy mình nhỏ bé trong thành phố. Nhưng khi đứng trong trạm tàu điện ở Bắc Kinh, trong lớp lớp người, những đoàn tàu chật kín nối tiếp nhau, cảm giác mình trong một trong ti tỉ người là chính là lúc này. Phần lớn họ đều mặc đồ đen vì thời tiết lạnh, trong đầu cùng những mối bận tâm, khao khát tương tự nhau, trên tay cùng những kỹ năng, năng lực, tư duy không quá khác biệt, họ từng người từng người quẹt thẻ căn cước công dân xếp hàng vào tàu điện. Những minh tinh như Dương Mịch, Triệu Lệ Dĩnh… để vươn lên là một người tỏa sáng trong ti tỉ người thế này, chắc họ phải có phúc khí, vận mệnh lớn lao lắm, chứ còn năng lực hay sự cố gắng cũng là không đủ.



