May mà mình không biết tiếng Trung chứ nếu nghe hiểu được lời người bán hàng ở đây thì chắc đã dốc sạch túi mua hàng rồi. Họ am hiểu về sản phẩm, nhiệt tình, xởi lởi, cho khách hàng cảm giác mua sắm rất thoải mái, nếu xem hỏi han chán rồi không mua gì họ vẫn vui vẻ chào tạm biệt. Đi ngang qua cửa hàng bán trà, chỉ cần liếc mắt nhìn vào là anh chàng nhân viên đã niềm nở rót trà mời uống thử, rồi hỏi từ đâu tới, “Ồ Việt Nam à?” Mình vừa uống xong đã kêu đưa ly đây để họ vứt cho, họ chỉ cho mình loại trả mình vừa uống, nếu mình không quan tâm thì họ tạm biệt chúc mình đi mua sắm vui vẻ. Mình đi ngang cửa hàng ăn chỉ cần liếc mắt nhìn vô là chủ quán đã đon đả chạy từ bên trong đã bước ra mời mình vào. Thấy người ta mời nhiệt tình quá mình cũng vào ăn. Người Trung Quốc mà mình gặp rất giỏi trong việc nhìn ánh mắt, cử chỉ để chuẩn bị trước nhu cầu và hành động của khách hàng. Trên con phố đi bộ Qianmen, trước cửa hàng lớn có những người mặc trang phục truyền thống chỉnh tề, hô to các món ăn hấp dẫn ngày hôm nay, mời khách hàng vào quán thưởng thức. Có vẻ người Trung Quốc rất thích tạo tiếng ồn, ngay cả với việc bán hàng.
Ngành du lịch của Bắc Kinh dựa vào việc khai thác bề dày lịch sử hàng ngàn năm của quốc gia này, từ các cửa hàng gia truyền hàng năm trăm, nhân viên mặc trang phục truyền thống, các phố cổ được tái dựng y chang thời Thanh, những người lính giả trang thời Tần… vô vàn vô vàn tư liệu để khai thác làm du lịch. Bắc Kinh ngoài Cố Cung, vương phủ của quý tộc xưa, chùa chiền cổ còn có chằng chịt các hutong – nhưng con hẻm sâu hun hút san sát nhà cổ theo kiến trúc tứ hợp viện. Các hutong này chiếm đến một phần tư diện tích Bắc Kinh, thậm chí các phố cổ ở quanh Tử Cấm Thành còn được xây, tái dựng lại y chang như thời Thanh. Các hutong là nét đặc sắc rất thu hút của Bắc Kinh, nhiều con hẻm, góc phố nhìn vẫn nguyên xi không khí của hàng trăm năm trước. Thêm nhiều đời nữa, người làm du lịch Bắc Kinh vẫn có thể kiếm tiền từ những giá trị văn hóa lịch sử của tổ tiên để lại. Đúng là của ăn không hết, để lại cho đời đời sau.
Mình có ghé qua một vài trung tâm thương mại ở Bắc Kinh. Ngoại từ một số mall lớn vẫn nhộn nhịp tấp nập thì cũng có khá nhiều mall khá ế ẩm, dù nó nằm ở khu tài chính – thương mại Sanlitun sầm uất. Ngành bán lẻ của Trung Quốc chắc cũng chung tình cảnh với Việt Nam. Hoạt động bán lẻ chuyển dần qua online khá nhiều. Trên những con phố cổ tấp nập khách du lịch ở Bắc Kinh, cứ vài mét lại thấy một người ngồi livestream bán các tour du lịch. Lấy bối cảnh sau lưng là con phố cổ tấp nập đẹp đẽ, họ tập trung nói liên tục về giá cả và các điểm đến trong tour. Một lần khác, mình tham gia một triển lãm hàng tiêu dùng Trung Quốc. Mặc dù lượng khách tham gia tại triển lãm không quá đông nhưng hoạt động livestream bán hàng online tại triểm lãm cực kỳ sôi động. Gian hàng nào cũng có kết hợp giữa chào hàng cho khách sỉ nhà phân phối và livestream bán lẻ. Hàng trăm con người, hàng trăm đèn và điện thoại nối đuôi nhau, tiếng bán hàng tấp nập, rộn ràng giữa hàng hóa chất đống xung quanh.





