Không giống như ở Bắc Kinh, nơi ngành du lịch khai thác văn hóa lịch sử ngàn năm, Thượng Hải thu hút khách du lịch bởi sự phồn hoa, thời thượng, hiện đại bậc nhất.
Khí chất Thượng Hải
Có đạp xe lòng vòng ở khu Lục Gia Chủy sáng sớm mới cảm nhận sự phồn hoa choáng ngợp của thành phố này. Bồn hoa được chăm chút kỹ lưỡng đủ các loài hoa xứ lạnh khoe sắc đầu xuân. Những loại hoa đắt đỏ chỉ dành cho các sự kiện ở VN thì ở đây được trồng trong bồn hoa trang trí khắp phố phường.
Lục Gia Chủy là khu trung tâm tài chính, thương mại hiện đại của Thượng Hải, được xây dựng từ những năm 1990. Nơi đây tỏa ra mùi tiền, mùi phồn hoa trong mọi ngóc ngách của nó. Công viên bên bờ sông Hoàng Phố sặc sở các loài hoa khoe sắc đầu xuân, bồn hoa được tỉa tót, uốn nắn điệu đà. Phía trên là mộc lan và anh đào nở rộ, in dáng hoa trên nền trời, bên dưới là tulip, xen kẻ với những giống hoa đủ màu sắc mà mình không biết tên. Những dải hoa màu vàng, trắng, tím, hồng nối đuôi nhau uốn lượn xa hút mắt. Bên này bờ sông là tháp tài chính, ngân hàng cao chọc trời, bên kia bờ sông là bến Thượng Hải trứ danh với những tòa nhà phong cách châu Âu cổ điển diễm lệ. Một con đường lát gạch mịn uống cong giữa công viên, con đường chia hai làn cho người tập thể thao: chạy bộ một bên và chạy xe đạp một bên. Có những gia đình bố mẹ con cái cùng đạp xe lại có những người chạy bộ trong quần áo phụ kiện thể thao thời thượng. Nhiều người ở Việt Nam xung quanh mình có lẽ không nghĩ tới có một khung cảnh phồn vinh và thịnh vượng như vậy trên đời. Nếu thấy một khung cảnh đẹp, thông thường người ta chỉ cần giơ máy lên chụp là có thể chia sẻ hình ảnh về cái đẹp đó cho những người khác. Lúc này, mình đang cố hết sức vận dụng ngôn từ để nói lên sự choáng ngợp của bản thân trong buổi sáng đầu xuân ở Lục Gia Chủy. Nhưng mình có phải tài năng cỡ Nguyễn Tuân, Vũ Bằng đâu, nên ngôn từ không thể gói ghém được trải nghiệm.
Vì sao thành phố này có thể giàu có đến vậy nhỉ? Sự giàu có này nhờ đâu mà có? Đây là trung tâm tài chính của thế giới cơ mà, có phải chỉ có duy nhất làm ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán mới có thể phồn vinh và bóng bẫy cỡ này? Vào thế kỷ 19, khi nơi đây trở thành trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới, dân nước mình còn là cu li kéo xe cho quan thầy Pháp, khi họ thịnh vượng ngồi xem đua ngựa, mình còn nạn đói 2 triệu người chết. Dù Thượng Hải cũng đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng đến hiện nay GDP của riêng thành phố này đã gấp rưỡi Việt Nam mình.
Điều ấn tượng nhất nhất nhất về khu Lục Gia Chủy là toàn bộ cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kết nối với nhau, thống nhất trong đầu một kiến trúc sư nào đó. Từ những năm 1990, khi bắt tay vào xây dựng khu này, họ đã hình dung một du khách đến Thượng Hải sẽ mua sắm ở khu trung tâm thương mại thế nào, rồi chụp hình chiêm ngưỡng tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông ra sao, rồi từ đó du khách sẽ đi bộ ra bờ sông Hoằng Phố ngắm bến Thượng Hải về đêm. Xây một công trình diễm lệ thì cũng không quá khó, mà xây nhiều công trình diễm lệ, kết nối hài hòa, thống nhất, tương trợ cho nhau, công trình này nối tiếp công trình kia mở ra sự ngỡ ngàng cho du khách, thì nó cỡ nào mình cũng không biết nữa. Họ đã quy hoạch trước bao lâu và phóng chiếu tương lai xa thế nào nhỉ?
Mình chỉ biết mộc lan là loại hoa yêu thích của Tứ Gia trong Bộ Bộ Kinh Tâm chứ có ngờ đâu đây là loài hoa biểu tượng của Thượng Hải. Nó tượng trưng cho sự thanh lịch, kiên cường và phồn vinh của thành phố giao thoa văn hóa Đông Tây này. Trong những ngày cuối đông đầu xuân, với những dãy nhà cổ điển châu Âu làm nền phía sau, những cành mộc lan trắng buốt vươn lên giữa tiết trời còn đôi chút giá lạnh. Con đường hoa mộc lan cứ vậy mãi miết dài kéo dài trong khu tô giới Pháp.
Trong thành phố, xe sang đầy rẫy lượn lờ khắp nơi. Trên chiếc Rolls-Royce, mấy cậu nhóc loai choai lượn xe bát phố. Một lần mình đang loay hoay dựng xe đạp trên vỉa hè, ngước mắt lên thì trước mặt là chiếc Porsche, bên trong là quý cô Thượng Hải sành điệu, khí chất ngời ngời. Khu Tân Thiên Địa như một fashion show đúng nghĩa đen. Người Thượng Hải hẳn có sự tự hào, ngênh ngang đôi chút vì khí chất Thượng Hải của mình.
Thành phố này có 27 triệu dân, mình nghe câu chuyện trên Youtube kể về những bạn trẻ tỉnh lẻ, nộp vài trăm đến cả ngàn bộ hồ sơ xin việc nhưng chỉ có mấy chục cuộc gọi đi phỏng vấn. Họ tụ tập trong những dorm giá 200.000 mỗi đêm vác hồ sơ đi khắp nơi săn tìm một cơ hội bám trụ lại thành phố diễm lệ này. Thôi thì những giấc mơ càng khó chạm tới càng làm tôn lên sự hoa mộng. Những công nhân vệ sinh lớn tuổi đi loanh quanh cùng với một cần gắp, cố gắng tìm ra những mẫu rác nho nhỏ như là tàn thuốc lá để thu gom trên con đường đã quá sạch sẽ. Không biết thu nhập của họ thế nào, có đủ sống ở thành phố hào nhoáng này không?
Đi bộ mỏi chân trong sự khổng lồ của bảo tàng Thượng Hải.
Thượng Hải là thành phố yêu nghệ thuật. Họ dồn hết tình yêu này vào những công trình bảo tàng hoành tráng. Để tham quan bảo tàng ở Thượng Hải không hề dễ, bạn phải đăng ký trước, tới nơi phải xếp hàng dài để trình diện hộ chiếu và quét an ninh. Tuy nhiên, vé miễn phí của bạn chỉ được giới hạn xem một số không gian trưng bày nhất định. Để xem các chủ đề đặc biệt, như hôm mình đến là không gian trưng bày nền văn minh cổ Ai Cập, phải phải đăng ký mua vé từ sớm, lúc mình đến là khu này đã hết vé. Mình chứng kiến hàng dài người xếp hàng đi qua ba bốn lớp an ninh để vào bên trong coi các báu vật Ai Cập.
Bảo tàng Thượng Hải có quy mô khổng lồ, để tham quan hết các không gian chủ đề chắc một ngày là không đủ. Khác với bảo tàng ở Bắc Kinh, bảo tàng Thượng Hải thiên về kết hợp lịch sử với nghệ thuật, văn hóa và thủ công mỹ nghệ Trung Quốc. Bảo tàng này có những không gian trưng bày đồ ngọc, đồ đồng rất giá trị hay thậm chí là mỹ nghệ đồ mộc thời Minh. Cứ vài mét lại có nhân viên bảo tàng mặc vét nghiêm chỉnh đứng coi chừng các cổ vật rất kỹ lưỡng. Mình thì mê quá trời quá đất nhưng sức người có hạn vì quá mỏi chân và đói bụng. Người dân ở đây đi xem bảo tàng rất đông, họ đi theo nhóm với gia đình, bạn bè. Cả nhóm người xoay quanh một hướng dẫn viên đang thuyết minh về câu chuyện lịch sử sau những món đồ quan trọng, thỉnh thoảng họ lại ồ lên ngạc nhiên hoặc phá lên cười. Mình không hiểu tiếng Trung nên chịu chỉ là cảm nhận được sự háo hức, yêu thích cổ vật của khách tham quan. Nhiều người mang theo đồ ăn, nước uống để tranh ngủ nghỉ chân, ăn uống rồi đi xem tiếp. Vì trời lạnh và bảo tàng quá lớn, xem mất nhiều thời gian nên nhất định phải mang theo đồ ăn uống. Đồ ăn thức uống trong này siêu đắt.
Công viên ở Thượng Hải làm mình ngất ngây vì đẹp. Không giống như Hongkong chật hẹp, Thượng Hải có không gian rộng lớn, thời gian để quy hoạch, tổ chức công viên trong đô thị và nghệ thuật vườn cảnh phát triển của Trung Quốc, từ đó tạo nên những công viên hút mắt trong thành phố. Chẳng hạn như Century Park là công viên rộng lớn nhất, nó không chỉ rộng mà còn có những cây xanh vươn mình tít lên cao, tỏa tán rộng. Vậy nên, khi bước vào công viên này, bạn như bước vào khu rừng xanh được trau chuốt điệu đà, quên mất ngoài kia là đô thị. Mình bỗng nghĩ đến bạn mình, đứa yêu cây cối, nếu nó đạp xe hoặc đi dạo trong công viên này chắc nó sẽ vui lắm. Còn mình nếu được chạy bộ mỗi ngày trong những không gian thế này cũng xem như là sống một đời thỏa mãn.
Cứ tưởng rằng một người yêu lịch sử như mình sẽ say mê Bắc Kinh và vẻ đẹp truyền thống Trung Quốc hơn, nhưng không mình đã bị nét phồn vinh, khí chất của Thượng Hải cuốn đi rồi. Hẹn gặp Thượng Hải ở một thời điểm khác của cuộc đời mình nhé! Một lúc nào đó mình giàu có hơn, thong dong hơn, không còn là cô gái lơ ngơ bị thành phố làm cho choáng ngợp như lúc này.











