Mình nhận ra phần lớn những sách mình đã đọc là câu chuyện ở phương Tây do các tác giả phương Tây viết, những kiến thức, hiểu biết cũng chịu ảnh hưởng lớn từ đây. Giai đoạn này, mối quan tâm của mình chuyển sang châu Á, mình tập trung đọc sách về châu Á để hiểu được bối cảnh địa chính trị, văn hóa, tôn giáo, những con đường mà các quốc gia đã đi qua, những con người kiệt xuất của đất nước họ. Đặc biệt, cuốn sách Phong Cách Lãnh Đạo Châu Á phỏng vấn 28 nhà lãnh đạo xuất sắc của Thái Lan, Indonesia, Singapore & Malaysia đã cho mình góc nhìn rất mới.
Mình tò mò muốn biết về những quốc gia láng giềng, những người thuộc tầng lớp tinh hoa của những đất nước này sẽ thể hiện điều gì về tầm vóc của quốc gia họ.
Những nhà lãnh đạo trong cuốn sách có xuất phát điểm đa dạng, có người xuất thân nghèo khó hoặc cũng có người là thế hệ tiếp theo của gia đình tinh hoa, bố mẹ xuất chúng.
Sau khi đọc một lượt các bài phỏng vấn 28 nhà lãnh đạo châu Á, lần đầu tiên mình cảm nhận một sự tương đồng, gần gũi về văn hóa với nhân vật trong sách khi họ chia sẻ giá trị về gia đình, văn hóa, tôn giáo. Điều mà mình không cảm nhận được khi đọc các học giả phương Tây.
Họ đều là người xuất chúng nhưng không phải là ngôi sao lãnh đạo toàn cầu, khiến cho câu chuyện của họ rất gần gũi với mình, cảm giác nếu mình cố gắng rèn luyện được tư chất như họ, mình cũng có thể được như họ.
Cuốn sách cho mình cái nhìn gần hơn về cách các gia đình tinh hoa đào tạo thế hệ lãnh đạo tiếp theo của gia đình và suy nghĩ của những đứa con khi là thế hệ tiếp theo của một gia đình tinh hoa. Phần lớn họ có lối sống gia đình chuẩn mực bao gồm thích đọc sách, giành thời gian cho nhau, yêu thể thao và theo đuổi bộ môn thể thao nào đó, dành thời gian cầu nguyện.
Sự khiêm nhường. Đây là cuốn sách giúp mình nhận ra sự khiêm nhường quan trọng đến nhường nào. Một vị giám đốc trong cuốn sách rèn luyện sự khiêm nhường bằng cách tham gia hoạt động tình nguyện trong nhà thờ, ông xếp ghế cho các giáo dân đến nhà thờ. Cuốn sách này đến trong thời điểm mình cũng có những suy nghĩ kiểu mình cũng kiếm được thu nhập chừng này chừng này, mình cũng đạt được này kia thì mặc định là mình phải được thế nọ thế kia. Khiêm nhường sẽ giúp mình tránh khỏi cái bẫy của bản ngã, không gợi lên sự ghen ghét, đố kỵ nơi lòng người, sống hòa nhã với mọi người.
Khủng hoảng như những đợt sóng luôn ào đến. Những cuộc phỏng vấn khắc họa một vài nét trong hành trình mấy chục năm lăn lội của họ để thấy rằng cuộc đời lãnh đạo cứ đối chọi với những giai đoạn khủng khoảng, lên và xuống sau mỗi thập kỷ. Không thể kỳ vọng là sau một biến cố mọi chuyện sẽ êm đềm hết từ đây về sau. Đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Hồi giờ mình nghe loáng thoáng, chỉ biết đến nó sơ sơ, đến khi đọc sách mới hiểu được có một thế hệ đã bị cuộc khủng hoảng này làm chao đảo như thế nào. Câu chuyện thành công hay thất bại của hầu hết các nhân vật đều có dính sáng, liên quan đến sự kiện này.
Ảnh hưởng của đạo Cơ Đốc giáo. Mặc dù các lãnh đạo này đều đến từ những quốc gia mà Phật Giáo, Hồi Giáo là tôn giáo chủ đạo, thật bất ngờ là Cơ Đốc giáo là tôn giáo tác động cực kỳ mạnh mẽ đến hầu hết những nhân vật trong sách. Một nhân vật đã thể hiện sự quy phục hoàn toàn của mình trước Chúa khi ông đang gặm nhấm thất bại trong tù như sau: “Tôi nhận ra mình không có gì để phơi bày, không có gì để chứng mình, không có gì để giấu diếm.” Họ đều cho rằng con đường của mình là do Chúa dẫn dắt, thành công là do ân sủng của Chúa và nguyện dâng hết thành tựu đạt được lên chúa. Cả cuộc đời cố gắng hết sức lắng nghe mong muốn của Chúa và để cuộc đời mình cho Chúa dẫn dắt.
Trong cuốn sách, các nhà lãnh đạo đều đưa ra câu trả lời cho một bộ khung câu hỏi giống nhau. Nhờ đó cùng với một vấn đề mình được nghe góc nhìn của 28 nhà lãnh đạo. Thật sự khá thú vị. Chẳng hạn như cuốn sách có một trang liệt kê điểm yếu tự nhận thức của 28 nhà lãnh đạo. Đọc một danh sách điểm yếu của những con người tinh hoa thấy rằng ngay cả khi đã thể hiện mình xuất chúng trong thời gian dài như thế nào, những con người này hiện tại vẫn ngày ngày đấu tranh với những điểm yếu của mình. Họ cũng có những điểm yếu rất đời thường như “thiếu kiên nhẫn”, “không đủ nghiêm khác”. Đọc danh sách này tự thấy thông cảm với những điểm yếu của chính mình hơn, ai cũng phải ngày ngày chật vật, đấu tranh với điểm yếu của mình chắc là cho đến ngày cuối đời.
Có một câu chuyện rất đáng nhớ về nữ lãnh đạo người Singapore. Cô sinh ra và lớn lên ở Singapore, sau đó du học ở Mỹ rồi về làm Brand Manager cho nhiều thương hiệu lớn. Sau đó cô lấy chồng người Malaysia và chuyển về sống ở quê chồng là một thành phố nhỏ ở Malaysia. Trong 6 năm sinh 4 đứa con, cô chuyên tâm làm mẹ, làm vợ và làm con dâu trong 27 năm. Sau đó, khi một công ty trong tập đoàn của chồng gặp vấn đề và kinh doanh lỗ, cô quay trở lại làm giám đốc toàn cầu của công ty. Khi vừa nhậm chức cô tuyên bố tầm nhìn trong 3 năm hoặc đưa công ty lên sàn hoặc bán được công ty. Vậy là sau đúng 3 năm, cô chuyển công ty từ lỗ sang có lời và hoàn tất việc bán công ty. Sau đó, cô lại quay về lại chăm lo cho gia đình và công việc từ thiện. Khi nghĩ lại những trục trặc của giai đoạn đầu hôn nhân, cô nói rằng nếu được quay lại mong có người sẽ tư vấn cho mình rằng người vợ cần phải phục tùng chồng, không phải giống như người hầu hay giúp việc mà là chăm sóc và tôn trọng chồng. Công việc của một người phụ nữ không phải là tranh cãi với chồng mà là ủng hộ và khích lệ chồng. Cuộc sống thật có nhiều đáp án khác nhau, không phải giới hạn trong những khung định hình mà người ta cho là đúng.
Một số câu mình thích trong cuốn sách:
- Không ngừng học hỏi, thành công sẽ đến theo thời gian
- Lãnh đạo đứng đầu phải nêu rõ tầm nhìn
- Nếu không tuyển người vào đúng vị trí, thay vì nói “tôi không phù hợp với công việc này” họ sẽ nói “tổ chức này thật tệ”.
- Khi khủng hoảng, tâm trí bị u ám sẽ đưa ra những quyết định sai lầm, vì vậy phải để bản thân ở trong trạng thái tốt nhất, ăn nhiều và tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý kể cả lúc khủng hoảng như thế nào.
- Quyền năng nằm trong tay hệ thống. Di sản tôi để lại là hệ thống cho các tổ chức mà tôi từng lãnh đạo.