Người Canada quan niệm về công bằng xã hội là khi mọi người đều có cơ hội học tập ngang nhau. Ở VN, cơ hội học tập chỉ gói gọn trong một bộ phận dân số chứ chưa nói đến cơ hội học tập công bằng dành cho tất cả mọi người. Vậy liệu có cơ hội nào cho mọi người dân của chúng ta đều được tiếp cân với giáo dục đại học?
Hiện nay có rất nhiều trang web cung cấp các khóa học online về mọi lĩnh vực với quy mô toàn thế giới. Nổi tiếng nhất phải kể đến là Coursera, ngoài ra còn có Open2study; EDX…. Danh sách tên các trường đại học hàng đầu tham gia đóng góp nội dung là lời cam kết về chất lượng của những khóa học online này không thua kém gì những khóa học trực tiếp.
Thậm chí, một trường đại học online tên là Saylor Academy sẵn sàng cung cấp cho bạn một chương trình đại học chính quy dựa theo giáo trình của những trường đại học hàng đầu thế giới. Nghe đâu, một vị tỷ phú nào đó đã bỏ tiền thuê hẳn những giáo sư đại học giỏi nhất xây dựng nội dung giảng dạy cho Saylor Academy.
Điều đó có nghĩa là, một cô sinh viên ở VN chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng và khả năng tiếng Anh tương đối là có thể được học bởi những giáo sư nổi tiếng đến từ các trường đại học danh giá ở cách nửa vòng Trái Đất. Cơ hội học tập của cô ngang bằng với hàng triệu sinh viên khác trên toàn thế giới. Cô có thể học bất cứ cái gì cô thích, dù có không phải là thế mạnh hay chuyên ngành của mình. Cô có thể cập nhật những tri thức, những kỹ năng, những xu hướng giáo dục tiên tiến nhất.
Theo đường dẫn internet, những tri thức từ giảng đường len lỏi đi khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách của thế giới. Khó có thể hình dung được tri thức và phát triển sẽ vươn xa đến mức nào khi mỗi công dân là một sinh viên trước máy tính.
Trong bối cảnh Việt Nam, người viết bỗng nhiên tham vọng mở ra một con đường học tập công bằng cho mọi người bằng cách xây dựng những khóa học online bằng tiếng Việt. Không những phục vụ cho cộng đồng mà sân chơi này còn là nơi thi thố về tài năng của các học giả Việt Nam, là nơi quảng bá chất lượng giáo dục của các trường đại học.
Thử hình dung, những người bị lãng quên của xã hội như anh giữ xe, chị bán hũ tiếu, ban ngày họ vẫn là người lao động tay chân. Tuy nhiên, chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng là đêm về họ sẽ là một sinh viên, công bằng về cơ hội học tập như bất cứ một công dân nào (ít nhất công bằng về công cụ). Và phần còn lại của ván cờ chỉ là nỗ lực của họ.
Xu hướng học tập trong thời đại thế giới phẳng mở ra một viễn cảnh tốt đẹp: Một sân chơi trí tuệ và tri thức công bằng cho tất cả mọi người, bất kể quốc gia và trình độ phát triển giáo dục. Tất nhiên, nói như vậy là quá lạc quan và mơ mộng. Nhưng đó chính là ước mơ và nỗ lực không ngừng nghĩ của người làm giáo dục. Đó cũng là ước mơ của người viết cho cơ hội học tập của người dân.