Đây là cuốn sách dễ đọc nhưng không dễ thấm, bởi vì phải ở vị trí nhà sáng lập, chủ doanh nghiệp mới cảm nhận được sự đồng điệu của một người ít nhất đã từng đi con đường mình đang đi ở một nơi cách xa nửa vòng Trái Đất.
Dốc Hết Trái Tim kể lại con đường của Starbuck, từ một công ty khởi nghiệp đến công ty tư nhân đến công ty đại chúng và trở thành thương hiệu toàn cầu đại diện cho văn hóa Mỹ. Qua hành trình của Starbucks, người đọc có thể hình dung được các vấn đề mà một công ty phải giải quyết lớn dần và căng thẳng dần theo tầm vóc doanh nghiệp như thế nào.
Ấn tượng đầu tiên về cuốn sách là cơ chế đầu tư đưa đồng vốn vào các start up kỳ diệu quá. Quá trình này kết nối đồng vốn của các nhà đầu tư với nhà sáng lập có tố chất và ý tưởng kinh doanh, nhờ đó thổi nhanh tầm vóc của một công ty khởi nghiệp. Nhờ vậy, Starbucks lớn nhanh kinh khủng, từ một người tay trắng, không có gì ngoài ý tưởng kinh doanh, nhờ nguồn vốn kêu gọi được, ở mỗi giai đoạn phát triển, nhà sáng lập Starbucks đều thuê về được những cá nhân có tố chất, kỹ năng cần thiết, kinh nghiệm trong ngành từ các doanh nghiệp lớn. Cứ mỗi lớp quản lý lại đóng góp kinh nghiệm & kỹ năng cần thiết vào, biểu chi doanh nghiệp đó không lớn nhanh. Việc điều tiết và sử dụng đồng vốn đầu tư hiệu quả vào công ty khởi nghiệp tạo sức bật cho cả nền kinh tế Mỹ.
Nếu quá trình này ở Việt Nam, một chủ doanh nghiệp phải cố gắng tự phát triển kỹ năng các kỹ năng cần thiết để vận hành doanh nghiệp. Với đồng vốn ít ỏi, họ chỉ có thể loay hoay với các nhân viên có năng lực yếu và kỹ năng non nớt. Chỉ nội giật gấu vá vai với nguồn lực ít ỏi và nhân lực hạn chế, chủ DN giải quyết các bài toán vụn hàng ngày đã mệt nói chi đến vươn đến thực hiện sứ mệnh của doanh nghiệp. Loay hoay 5,7 năm, hiếm lắm mới có công ty bứt lên được, hiếm lắm mới có chủ DN thoát khỏi cảnh loay hoay.
Nhà sáng lập những năm đầu tiên khởi nghiệp đã gõ cửa gọi vốn 242 nhà đầu tư và 217 người từ chối. Suốt những năm đầu tiên của doanh nghiệp, hầu như công việc chính của ông là gọi đủ số vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh. Ở mỗi giai đoạn sau, bài toán ông ưu tiên giải quyết lại khác nhau. Khi công ty trưởng thành, điều quan trọng là nhà điều hành có lớn kịp với yêu cầu của công việc. Tới thời điểm ông nhận ra công ty muốn lớn cần mô hình vận hành và quy trình chuyên nghiệp, đó là thời điểm ông chuyển công việc điều hành cho các nhà quản lý chuyên nghiệp. Một công ty chuyên nghiệp cần quy trình chuyên nghiệp được vận hành bởi nhà quản lý chuyên nghiệp.
Mặt bằng nhận thức chung về marketing của DN ở Mỹ cũng ở một cấp độ cao hơn VN. Những từ ngữ để Starbuck mô tả về người dẫn dắt hoạt động marketing của công ty này là: “Người làm rõ và nâng tầm thương hiệu Starbucks”, “người khai sáng cá tính thương hiệu Starbucks” . Ngay từ những ngày đầu tiên, nhà sáng lập đã nhận thức rõ ràng trong đầu về thương hiệu Starbuck đại diện cho điều gì. Việc xây dựng thương hiệu cũng bắt đầu từ những ngày đầu, song hành với phát triển kinh doanh. Suốt thời gian sau đó, một trong những quyết định quan trọng nhất, khiến ông phải đấu tranh liên tục là khi mình làm điều này điều kia, liệu nó sẽ làm xói mòn hay giúp củng cố thêm thương hiệu Starbucks. Trong mỗi quyết định kinh doanh, ưu tiên đầu tiên của công ty là bảo toàn thương hiệu Starbucks. Trong chuẩn mực kinh doanh chung, người ta hiểu thương hiệu đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động kinh doanh thế nào nên Mỹ mới có nhiều thương hiệu toàn cầu như vậy.
Ngoài ra, một số vấn đề mà Starbucks từng đối mặt 20 năm trước cũng khiến nhiều công ty nhìn thấy mình trong đó. Một số có thể kể đến: Nhà điều hành giữ một tầm nhìn rộng hơn trong khi những người khác đều tập trung vào tiểu tiết. Nhà điều hành dễ mất định hướng dài hạn trong khi các vấn đề ngắn hạn đều gào thét được giải quyết…
Một số câu trích dẫn trong sách khá hay:
+ Chúng ta đánh giá bản thân qua những gì mình nghĩ mình có thể làm được trong khi người khác đánh giá chúng ta qua những gì chúng ta đã làm được.
+ Nhà điều hành tốt nhất là có đủ nhạy bén để chọn người giỏi nhất thực hiện nhiệm vụ và có đủ khả năng tự kiềm chế bản thân để không can thiệp vào công việc của họ.
+ Bất cứ khi nào bạn chứng kiến một doanh nghiệp thành công, hãy biết rằng ai đó đã can đảm đưa ra quyết định sống còn.
+ Khía cạnh cơ bản nhất của lãnh đạo là khả năng khiến những người xung quanh ngập tràn niềm tin trong khi chính bạn đang bất an.