(Things I always tell myself but never speak it up)
(Những điều tự nói với chính mình)
Có những điều nghe thật sáo rỗng cho đến khi chúng ta có đủ trải nghiệm về nó. Dưới đây cũng là vài điều nghe sáo rỗng như vậy gửi cho em thôi.
Làm việc bán chữ trong ngành quảng cáo, đến một cột mốc nào đó, em cũng nghiệm ra rằng khách hàng là người trả tiền cho mọi chữ mình viết ra.
Có người bạn khá nổi tiếng. Một lần được mời làm diễn giả cho chương trình du học, khi biết hàng trăm người đăng ký tham gia, cô ấy thốt ra rằng: “không ngờ người ta bỏ tiền ra nghe mình nói”.
Làm việc bán chữ cũng vậy, hãy lấy việc có người trả tiền cho chữ mình viết để làm động lực. Động lực thật sự đơn giản vậy thôi. Em có thể cẩu thả với tất cả mọi thứ, chữ viết có thể xấu, bàn làm việc có thể lộn xộn, phòng ở hay tủ quần áo chả bao giờ gọn gàng nhưng tuyệt đối không cẩu thả với miếng cơm của mình.
Xung quanh em có thể sẽ có người nói, viết cái post facebook thôi mà, sao lại lâu vậy. Những nổ lực dùi mài câu chữ của em có thể không được khách hàng, sếp hay đồng nghiệp ghi nhận. Nhưng em hãy cứ làm việc, thầm lặng và chăm chỉ. Hãy làm việc vì một ngày tên của em gắn với chữ của em là lời đảm bảo nội dung này đã được làm hết sức.
Thật ra, đôi khi em chả phải nhọc lòng lắm khi viết. Viết theo những cách quen thuộc, an toàn, theo cách mà các nội dung trước đó được duyệt. Khách hàng đồng ý, account vui vì khách duyệt nhanh, chẳng phải chỉnh sửa gì. Nhưng dù vậy, em đừng bao giờ dừng lại ở mức độ được duyệt.
Hãy viết vì chính mình trước. Dù chẳng ai để ý, em hãy tự ghi nhận, trau chuốt câu chữ của mình mỗi ngày. Mỗi ngày, hãy thử cách diễn đạt mới, khác biệt hơn, tung tẩy hơn hay sắc bén hơn. Hãy tận hưởng những niềm vui nhỏ nhỏ như một ý đáng phải diễn đạt trong 2 câu mà em có thể làm nó sắc bén trong một câu, rung đùi khi nghĩ ra được một chữ rất “đắt”. Hài lòng khi viết ra được nội dung rất đúng “mood” của nhãn hàng, kể được một câu chuyện bật ra được insight.
Dù đồng đội, khách hàng chỉ dành ra vài phút đã là nhiều để đọc nội dung của em nhưng còn em, em sẽ luôn thuộc lòng nó. Hãy trăn trở và lăn tăn khi gửi đi một nội dung vẫn còn có thể chỉnh lại tốt hơn. Nếu có nhiều thời gian hơn hãy chau chuốt, tìm cách thể hiện thu hút hơn.
Những điều trên chả phải là sự tâm huyết hay hết lòng gì với câu chữ. Đó chỉ là cách giúp em cảm nhận được niềm vui trong nghề bán chữ. Một cách phũ phàng, nghề này có thể rốt cục chẳng đưa em đến đâu nếu em là người nhiều tham vọng. Sau bao năm có thể em cảm thấy vốn liếng để lại chỉ là sự trưởng thành trong cách viết và đánh giá nội dung. Vậy thì, nếu không tìm niềm vui nho nhỏ từ chính con chữ thì mình sẽ luẩn quẩn trong vòng xoay viết những thứ được yêu cầu đúng không em?
Có lúc em buông lời than phiền khách hàng thật vớ vẩn, nhưng rồi em sẽ mỉm cười nhẹ nhàng, mình là người bán chữ, chỉ đơn giản là bán cái khách hàng muốn mua. Không lăn tăn, không nặng nề. Không cần phải tô hồng nghề quảng cáo.
Là một người bán chữ, em hãy tưởng tượng mình là một nghệ nhân người Nhật, ngày ngày thầm lặng gò đẽo, lấy sự trọn vẹn của sản phẩm làm niềm vui. Một ngày lên công ty, bắt đầu làm việc, hãy hình dung một nghệ nhân bắt đầu lên khuôn đục đẽo.